Sự phát triển tất yếu của khu công nghiệp ven biển

Truonglocland.vn - Các khu vực ven biển Việt Nam sẽ chứng kiến xu hướng tăng trưởng tương tự, đón nhận thêm nhu cầu đầu tư từ cả doanh nghiệp trong nước mở rộng sản xuất lẫn các tập đoàn đa quốc gia.

Hinh anh su phat trien tat yeu cua khu cong nghiep ven bien 2Đầu tư hướng ra biển là xu thế nhất quán từ trước đến nay của chính quyền thành phố Hải Phòng (Ảnh: Vinalines)

Vinhomes, công ty phụ trách mảng bất động sản của Tập đoàn Vingroup dự kiến sẽ chi khoảng 10.000 tỷ đồng cho bất động sản công nghiệp, mảng kinh doanh mới của tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam.

Hiện Vinhomes đang quản lý vận hành khu công nghiệp rộng 335 héc-ta tại Hải Phòng, nơi đặt nhà máy sản xuất ô tô VinFast, sát bờ biển Cát Hải. Nơi đây đang hình thành chuỗi các nhà máy sản xuất linh kiện cho hãng xe thương hiệu Việt đầu tiên. Các doanh nghiệp sản xuất linh kiện cũng chính là những khách thuê đầu tiên của khu công nghiệp ven biển này.

Tiềm năng phát triển khu công nghiệp 

Khu công nghiệp là nơi các doanh nghiệp sản xuất tập trung lại trong cùng một khu vực để tối ưu hóa vận hành, tận dụng quy hoạch dựa vào điều kiện tự nhiên, xã hội thuận lợi. Việc hình thành các khu công nghiệp là hướng đi tất yếu của một đất nước trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trong các nước ASEAN và Trung Quốc, Việt Nam đứng đầu về số lượng các khu công nghiệp đã thành lập năm 2020, theo báo cáo vừa được Savills Việt Nam công bố hồi tháng Mười. Kết quả khảo sát này của Savills phù hợp với xu hướng dịch chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc trong hai năm trở lại đây khi cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ bùng phát.

Sau 10 năm đàm phán, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và các nước Liên minh Châu Âu (EVFTA) đã bắt đầu có hiệu lực từ tháng 8.2020. Mới đây, Việt Nam cũng vừa ký thêm một FTA (hiệp định thương mại tự do) nữa với 14 nước Châu Á gồm 9 nước ASEAN và 5 nước đối tác (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc và New Zealand). Các FTA mới được ký kết, cùng với FTA cũ như CPTPP, đang từng bước mở cửa hội nhập kinh tế Việt Nam trên trường quốc tế. Hàng hóa sản xuất tại Việt Nam giờ có thêm nhiều sân chơi với các ưu đãi được quy định trong các FTA.

Các FTA đang tạo thêm động lực cho quá trình chuyển đổi từ các ngành công nghiệp giá trị thấp, thâm dụng lao động sang các ngành công nghiệp có giá trị cao hơn – tăng sức cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu. Mở cửa với các nhà sản xuất nước ngoài cũng là cơ hội để ngành công nghiệp Việt Nam phát triển. Bất động sản công nghiệp, trước hết là nhà xưởng, kho bãi cũng tăng tốc từ những dịch chuyển này.

Trong nửa đầu năm 2020, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã rót khoảng 6 tỷ USD vào các khu công nghiệp, khu chế xuất (chuyên sản xuất hàng hóa xuất khẩu) và khu kinh tế, theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đã tăng mạnh từ năm 2018 đến nay đã dẫn đến sự thiếu hụt nguồn cung và nhu cầu có thêm các khu công nghiệp mới trên các tỉnh/thành phố lớn.

CBRE cũng chung nhận định, cho rằng nguồn cung đất công nghiệp tại các khu công nghiệp cả hai miền đều trong tình trạng khan hiếm.

“Mô hình Trung Quốc + 1 có thể ngày càng được các nhà sản xuất theo đuổi, dẫn đến nhu cầu lớn hơn đối với thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam, khi các tập đoàn tìm cách giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa địa điểm sản xuất. Bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục là đứa con cưng của ngành bất động sản nói chung, với các nhu cầu ngày càng tăng và hoạt động thị trường vốn gia tăng” – Ông Troy Griffiths – Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam nhận định.

Tiến ra biển 

17 khu kinh tế ven biển dự kiến sẽ bổ sung khoảng 845.000 héc-ta mặt bằng cho bất động sản công hoạch xung quanh các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Các khu công nghiệp, khu kinh tế đầu tiên vốn phát triển dựa vào trục đường quốc lộ, và vây quanh các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh,… đến nay hầu như đã hoạt động hết công suất với tỷ lệ lấp đầy lên tới 90%, thậm chí cao hơn. Mở rộng phạm vi các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất đáp ứng nhu cầu sản xuất là một nhu cầu tất yếu.

Quan sát các khu công nghiệp mới tại khu vực miền Bắc, có thể thấy rõ  việc tiến ra biển là một xu thế.

Hinh anh su phat trien tat yeu cua khu cong nghiep ven bienBản đồ các khu công nghiệp phía Bắc (Nguồn: Savills)

Hải Phòng và Quảng Ninh là hai tỉnh được Ban chấp hành Trung ương Đảng lựa chọn xây dựng các mục tiêu phát triển kinh tế biển, từ năm 2007 nhờ những đặc điểm về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên. Riêng Hải Phòng hiện có 12 khu công nghiệp, thu hút được 556 nhà đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đầu tư gần 500 nghìn tỷ đồng (tương đương 22 tỷ USD).

Từ một đầm lầy ven biển với nền địa chất không vững vàng, dễ sụt lún, sau một năm khởi công, VinFast đã biến khu vực rộng hàng trăm héc-ta nơi đây thành một tổ hợp sản xuất hiện đại, trù phú. Nhà máy VinFast được khởi công cùng ngày với lễ thông xe cầu Tân Vũ – Lạch Huyện – cầu vượt biển dài nhất Việt Nam. Cảng Lạch Huyện, cách nhà máy VinFast chưa đến 10 phút chạy xe, dự kiến sẽ được phát triển thành cảng duy nhất miền Bắc đón được các tàu mẹ tải trọng tới 150.000 tấn, đáp ứng vai trò cảng cửa ngõ quốc tế.

Hinh anh su phat trien tat yeu cua khu cong nghiep ven bienBản đồ quy hoạch cảng Lạch Huyện (Nguồn: HICT)

Thái Lan và Trung Quốc, hai quốc gia láng giềng đã có kinh nghiệm phát triển khu công nghiệp ven biển với cơ sở hạ tầng là các cảng biển quốc tế nhộn nhịp. Các ngành chính được ưu tiên khi thu hút đầu tư tại hai quốc gia này là hóa chất thô, dược phẩm, máy móc, công nghiệp phụ trợ ô tô và điện tử. CBRE cho rằng các khu vực ven biển Việt Nam sẽ chứng kiến xu hướng tăng trưởng tương tự, đón nhận thêm nhu cầu đầu tư từ cả doanh nghiệp trong nước mở rộng sản xuất lẫn các tập đoàn đa quốc gia.

Tỷ lệ lấp đầy tại Quảng Ninh và Hải Phòng đang thấp hơn mức bình quân chung của khu vực miền Bắc, do đó đang có nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ trong tương lai, nhất là khi các tuyến cao tốc kết nối giữa Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và các cảng biển chính, sân bay quốc tế đều đã đi vào hoạt động.

Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi với đường bờ biển dài hơn 3.000 km. Hàng năm hệ thống cảng biển Việt Nam thông quan tới 90% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, khu vực kinh tế biển bắt đầu từ những khu vực các bờ biển dưới 100km. Theo quan điểm này, gần như toàn bộ nền kinh tế Việt Nam là kinh tế biển.

Các quốc gia, vùng lãnh thổ sớm xây dựng hệ thống cảng biển quốc tế như Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Hồng Kông… đều đã nhanh chóng tổ chức được nền sản xuất, xuất khẩu hiện đại, nhanh chóng thay đổi bộ mặt đất nước. Với việc thúc đẩy các khu công nghiệp ven biển, Việt Nam cũng đang từng bước đi theo xu hướng đó với kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước.

Truonglocland.vn – tổng hợp


ĐƠN VỊ TƯ VẤN ĐẦU TƯ BẤT ĐỘNG SẢN CÔNG NGHIỆP

CÔNG TY TƯ VẤN TRƯỜNG LỘC

TRUONGLOCLAND – TRAO GIÁ TRỊ, GỬI NIỀM TIN

☎ Hotline: 0911 31 36 36

📭 Email: tuvantruongloc@gmail.com

🌐 Website: truonglocland.vn

Hân hạnh được hỗ trợ và tư vấn Quý khách hàng!

Tin liên quan